Hiện tại, lô hàng 200 tấn thanh long ruột đỏ trong chuỗi bao tiêu số lượng 3.000 - 3.500 tấn của các thành viên trong Hiệp hội Thanh long Long An đã được Tập đoàn Lavifood thu mua.
Đây là lô hàng đầu tiên trong chuỗi ký kết bao tiêu 100 ha thanh long ruột đỏ do Hiệp hội Thanh long Long An ký hợp đồng với doanh nghiệp vào cuối tháng 6-2020 vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Lý, nhà vườn trồng thanh long ở xã Thanh Phú Long (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cho biết: Từ đây về sau gia đình không còn lo chuyện thanh long rớt giá vì đã được Lavifood ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trái chín, thu hoạch chở đến điểm thu mua của doanh nghiệp bán nhận ngay 30% tiền đặt cọc, giao hàng dứt điểm được nhận tiền trong thời gian một tuần. Hiện tại, thanh long ruột đỏ loại I được doanh nghiệp thu mua với giá 30.000 đồng/kg; loại II: 20.000 đồng/kg; loại III: 14.000 đồng/kg, loại IV: 10.000 đồng/kg.
Giám đốc phụ trách phát triển vùng trồng, thuộc Tập đoàn Lavifood Vũ Mai Anh Huy cho biết: “Bước đầu thực hiện chuỗi ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm thanh long còn gặp một số khó khăn như: Bà con chưa quen với cách mua bán sản phẩm theo quy trình sạch, lo sợ giá cả không bằng bán trái chín tại vườn. Để giải bài toán này, tập đoàn cùng với Hiệp hội đã xây dựng chuỗi sản xuất gắn với bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trên cơ sở này doanh nghiệp hỗ trợ và đốc thúc bà con cùng bắt tay phát triển chuỗi giá trị thanh long để giảm rủi ro bởi sự chi phối về giá của các thương nhân Trung Quốc và đối tác nhập khẩu. Mô hình này khuyến khích nhà vườn trồng thanh long bán trái chín trực tiếp cho doanh nghiệp với giá thoả thuận và bà con không phải lo chuyện trúng mùa rớt giá”.
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An Nguyễn Quốc Trịnh cho biết: “Chương trình thoả thuận hợp tác với Lavifood bao tiêu 100 ha thanh long, tương ứng số lượng 3.000 - 3.500 tấn thanh long theo quy trình sạch, có nhật ký canh tác. Về giá, công ty thu mua theo thỏa thuận tại từng thời điểm và không thấp hơn giá thị trường. Hiện tại, Lavifood đang thực hiện hợp đồng ký kết và đã thu mua được 200 tấn thanh long ruột đỏ của các thành viên trong hiệp hội. Bước đầu thực hiện, người dân còn rất e dè, bà con sợ bán trực tiếp cho doanh nghiệp không bằng với bán trái chín tại vườn. Tuy nhiên, tại thủ phủ vùng thanh long Châu Thành đã có khoảng 20% nhà vườn đã bắt tay thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng. Với cách làm này, đề án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ngày sẽ càng có nhiều người dân tin tưởng vào dự án này càng nhiều”.