Người dân bức xúc việc cấm xe tải, xe khách vào đường Hai Bà Trưng, lãnh đạo TP Huế trả lời ra sao?

|

Nhiều người dân sinh sống và chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên tuyến đường Hai Bà Trưng (TP Huế) vừa làm tờ trình gửi lãnh đạo UBND TP Huế liên quan đến việc cấm xe ô tô 30 chỗ ngồi và xe tải 5 tấn lưu thông đón, trả khách và giao nhận hàng trên tuyến đường Hai Bà Trưng.

Nguyên nhân, UBND TP Huế ban hành văn bản về phương án tổ chức giao thông tuyến đường Hai Bà Trưng đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Ngô Quyền đã khiến người dân và các các cơ sở kinh doanh trên đoạn đường này đối mặt với nhiều chi phí phát sinh và bất cập.

Biển cấm xe tải và xe khách 30 chỗ lưu thông trên đường Hai Bà Trưng, TP Huế

Ngày 20-3, UBND TP Huế ban hành văn bản về phương án tổ chức giao thông đường Hai Bà Trưng. Theo đó, đường Hai Bà Trưng đoạn từ đường Ngô Quyền đến đường Nguyễn Huệ, cấm ô tô tải trên 5 tấn, xe khách trên 30 chỗ lưu thông trên đoạn tuyến, cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ; đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Phan Đình Phùng, tiến hành kẻ vẽ điểm đỗ xe bên phải tuyến hướng từ đường Phan Đình Phùng đến đường Nguyễn Huệ, cho phép đỗ xe để phục vụ trong khung giờ có tổ chức phố đi bộ Hai Bà Trưng; đối với khu vực hạ lề làm bãi đỗ xe (phía đối diện) tổ chức cho phép đỗ xe ô tô dưới 9 chỗ.

Quy định này được ban hành sau khi tuyến đường Hai Bà Trưng vừa được đầu tư nâng cấp, chỉnh trang và chuẩn bị khai trương Phố đi bộ vào tối 26-3 tới.

Ông Nguyễn Thành Nhân, đại diện người dân và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dọc theo đường Hai Bà Trưng bức xúc cho rằng, tại buổi đối thoại với lãnh đạo UBND TP Huế vào ngày 10-3 do ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP Huế chủ trì, lãnh đạo UBND phường Vĩnh Ninh đã có thông báo về phương án phân luồng giao thông trên tuyến đường Hai Bà Trưng với nội dung: “Ngoài khung giờ tổ chức phố đi bộ, mọi phương tiện giao thông sẽ được lưu thông trên tuyến phố Hai Bà Trưng”.

Tuy nhiên, từ ngày 19-3, cơ quan chức năng lại dựng biển cấm xe khách và xe tải lưu thông trên tuyến này và ngày 20-3, UBND TP Huế ban hành văn bản về phương án tổ chức giao thông đường Hai Bà Trưng đã khiến công việc của người dân và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dọc tuyến đường đối mặt với nhiều chi phí phát sinh và bất cập, nhất là họ vừa trải qua bao khó khăn do dịch Covid-19.

Đại diện Khách sạn Thanh Lịch Huế (đóng trên đường Hai Bà Trưng) cho rằng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thành phố ban hành văn bản về phương án tổ chức giao thông trên tuyến đường Hai Bà Trưng. Đặc biệt, khách sạn có nguồn khách tương đối đông, trong đó chủ yếu là khách đoàn thông qua các đơn vị lữ hành nên đa số đều sử dụng phương tiện xe từ 30-45 chỗ. Nhưng từ ngày 20-3, thành phố cấm xe khách trên 30 chỗ đã gây áp lực lớn cho cơ sở.

Nhiều cơ sở kinh doanh khách sạn, gạo, trái cây, thực phẩm trên tuyến đường này cũng lo lắng vì lâu nay, đa số các xe vận chuyển hàng hóa đều có tải trọng trên 5 tấn. Nay thành phố cấm nên các phương tiện không thể vào, trong khi thuê xe dưới 5 tấn để vận chuyển vào cửa hàng sẽ khá tốn kém và mất thời gian.

Tuyến đường Hai Bà Trưng là trục đường chính có nhiều khách sạn và cơ sở kinh doanh dịch vụ

Theo tìm hiểu, dự án chỉnh trang đường Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh do UBND TP Huế phê duyệt được triển khai từ cuối năm 2022. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực TP Huế làm chủ đầu tư, với tổng số vốn 97 tỷ đồng, độ dài tuyến phố đi bộ là 850m.

PV Báo SGGP đã liên hệ với ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP Huế để làm rõ vấn đề trên. Ông Trần Song cho rằng, đường Hai Bà Trưng đoạn từ đường Ngô Quyền đến đường Nguyễn Huệ là tuyến đường đô thị đầu tiên trên địa bàn TP Huế được thiết kế và thi công lát đá toàn bộ mặt đường và vỉa hè, trong khi tuyến đường có lưu lượng xe cộ lưu thông đông nên cần có thời gian thử nghiệm về mặt áp dụng kỹ thuật và vật liệu mới qua việc lát đá mặt đường, chứ không phải bằng bê tông nhựa như truyền thống.

Do đây là kỹ thuật mới chưa được khẳng định, cộng việc rút kinh nghiệm từ sự cố đá lát vỉa hè bị vỡ ở TP Hà Nội nên UBND TP Huế triển khai cấm ô tô 30 chỗ ngồi và xe tải trên 5 tấn để thử nghiệm về mặt kỹ thuật và đánh giá tải trọng tuyến đường trong khoảng thời gian nhất định từ 1- 6 tháng.

Sau thời gian thử nghiệm, thành phố sẽ tổ chức họp bàn, lấy ý kiến các ban ngành liên quan để lên phương án tổ chức giao thông phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với các kiến nghị của các hộ dân và chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác trên tuyến đường Hai Bà Trưng, lãnh đạo UBND TP Huế đã đề nghị UBND phường Vĩnh Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất UBND TP Huế ban hành cơ chế đặc biệt. Có thể, sẽ giải quyết bằng việc cho những ô tô 30 chỗ ngồi và xe tải 5 tấn mà các chủ hộ và chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác trên đường Hai Bà Trưng đăng ký để cấp phù hiệu sẽ được lưu thông đón, trả khách và giao nhận hàng trên tuyến đường Hai Bà Trưng như trước đây.

Các trường hợp khác còn lại phải nghiêm chỉnh chấp hành theo phương án tổ chức giao thông tuyến đường Hai Bà Trưng, đoạn giao nhau từ đường Phan Đình Phùng đến đường Ngô Quyền đã được UBND TP Huế phê duyệt.